Coraline là bộ phim hoạt hình theo dạng stop-motion 3D từng được đề cử Oscar cho phim hoạt hình hay nhất vào năm 2010. Phim thuộc thể loại kinh dị-viễn tưởng với nội dung xoay quanh Coraline và cánh cổng kì bí tại ngôi nhà mà gia đình cô bé vừa chuyển tới.


Nội dung và tạo hình phim làm người xem dễ liên tưởng đến những tác phẩm của Tim Burton, một chút kì quái và u ám của những câu chuyện vốn dành cho trẻ em. Coraline cuốn hút người xem ngay từ những giây đầu của phim với những người hàng xóm "quái lạ" mà nhân vật chính gặp gỡ khi vừa mới chuyển đến.


Tạo hình thú vị là một trong những yếu tố đã làm nên sự thành công của bộ phim. Mỗi nhân vật đều hoàn toàn khác nhau từ cấu trúc cơ thể, gương mặt cho đến cách họ di chuyển, trò chuyện, chính điều này đã khiến khán gả không thể ngừng dõi theo từng diễn biến của bộ phim. Yếu tố kinh dị của phim không quá đậm nhưng cũng đủ để người xem phải nín thở với những giây phút hồi hộp khi Coraline đối đầu với nhân vật "Other Mother".


Trong thời đại khi mà phim hoạt hình 3D với thiết kế đồ họa máy tính đang dần tràn lan trên thị trường, sự ra đời của loại phim hoạt hình "cổ" như Coraline như một chấm đỏ trên trang giấy trắng, cuốn hút ánh mắt người xem.

Tổng kết, nội dung phim Coraline không quá phức tạp và sự khai thác yếu tố huyền bí đúng chỗ đã khiến phim có sức hút không thể chối từ. Nhạc phim hay và đặc biệt là giọng của các nhân vật có âm hưởng rất dễ chịu.

War Horse là một bộ phim chiến tranh được tạo ra dưới bàn tay của một trong những đạo diễn thành công nhất Hollywood - Steven Spielberg. Bộ phim War Horse lấy bối cảnh thế chiến thứ I, với điểm bắt đầu là ở hạt Devon thuộc Anh Quốc, phim kể về hành trình lưu lạc của một chú ngựa để từ đó mở ra lăng kính mới về những mặt của chiến tranh mà có thể chúng ta đều biết đến, nhưng vô tình bị che đi bởi sự đẫm máu và đau thương của những trận đánh.

Có thể nói nhân vật có thời gian lên hình nhiều nhất trong War Horse chính là Joey - chiến mã của bộ phim. Bộ phim thành công không chỉ vì dàn dựng công phu mà còn bởi cách phối hợp tài tình của đạo diễn và biên kịch để tạo nên một bức tranh lớn về thế chiến I thông qua những mảnh ghép nhỏ bé của những cá thể sống trong chiến tranh.


Nếu lịch sử dạy chúng ta về tính tang thương của cuộc chiến, sự ác độc của kẻ thù và những tấm gương của anh hùng thì ở War Horse, chiến tranh không chỉ được đánh giá bởi thắng hoặc thua, mà còn bởi chính những câu chuyện đằng sau đó.


Với bộ phim War Horse, trong chiến tranh vẫn tồn tại lòng tốt, phía sau sự thất bại của một đội quân không chỉ có kẻ thù mà còn vì niềm kiêu hãnh của kẻ đứng đầu, và ở hàng ngũ kẻ thù vẫn có thứ gọi là tình thương. Tất cả điều này cấu thành nên sự "con người" trong chúng ta.


Tổng kết, War Horse là một bộ phim mang đậm tính nhân văn. Tuy làm về đề tài chiến tranh nhưng phim không mang chủ đích tái tạo lại trận đánh hay đề cao bất kì bên nào. Bộ phim là một cuốn sổ hành trình ghi chép lại những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại tạo nên những giá trị to lớn của con người trong thời kì chiến tranh.



V for Vendetta là bộ phim hành động-tâm lí được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Alan Moore và David Lloyde. Bộ phim V for Vendetta lấy bối cảnh giả tưởng là nước Anh Quốc sau thế chiến thứ III bị thống trị bởi chế độ độc tài chuyên chế gần như là Phát-xít. V - một tên "khủng bố", theo như chính quyền gọi hắn - đã xuất hiện dưới chiếc mặt nạ Guy Fawkes và khởi đầu cho một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền độc tài.

Cũng như chính nhân vật V, bộ phim V for Vendetta dù đã công chiếu cách đây 10 năm, nhưng vẫn là một bộ phim điện ảnh mang tính biểu tượng và đầy triết lí bởi chính những ý tưởng cách mạng hóa không bao giờ "lỗi thời" mà phim đem lại.


"Chúng ta được bảo rằng hãy nhớ lấy ý tưởng, không phải người làm nên nó. Vì người thì có thể thất bại, có thể bị giam giữ, có thể bị giết và bị lãng quên. Nhưng trăm năm sau, ý tưởng vẫn có thể thay đổi thế giới" - trích dẫn từ phim



"Ý tưởng không thể chảy máu. Chúng không cảm thấy đau đớn và cũng không biết yêu ..... Ý tưởng hoàn toàn chống lại đạn" - trích dẫn từ phim



"Người dân không nên sợ hãi chính quyền của họ, mà chính quyền nên sợ nhân dân" - trích dẫn từ phim



"Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn công bằng hay công lí. Nếu bạn là một con người, bạn sẽ tự giành lấy chúng" - trích dẫn từ phim

Tuy là một phim hành động nhưng V for Vendetta lại mang màu sắc tâm lí-chính trị khá nặng nề. Phim khai thác sâu vào những mặt tối của quyền lực đồng thời phản ánh những cái giá mà con người phải trả khi chọn giữ im lặng.


Tuy nhiên, bộ phim cũng không quá đề cao nhân vật "V" như một anh hùng. Thay vì nói V là nhân vật chính thì nhà làm phim đã sử dụng nhân vật này như một công cụ, một người truyền dẫn lí tưởng để từ đó vẽ nên quá trình "trưởng thành" của một cuộc cách mạng.

Tổng kết, V for Vendetta là sự kết hợp của một kịch bản xuất sắc và diễn xuất chất lượng của dàn diễn viên. Phim vẫn còn mang một số yếu tố chưa hợp lí nhưng nhìn chung đây là một bộ phim kinh điển coi mãi mà không chán.

Review phim Hành động

The Imitation Game là một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Alan Turing: The Enigma, nói về cuộc đời của nhà khoa học Alan Turing - cha đẻ của ngành khoa học máy tính và là người đã đóng góp đáng kể trong việc đánh bại phát-xít Đức trong thế chiến thứ II.

Cái hay của The Imitation Game không chỉ là việc nó đã mở ra cuộc đời của một nhân vật lịch sử mà là ở cách phim đã cho thấy một góc nhìn rất khác về chiến tranh.
"Mọi người nói về cuộc chiến tranh như một trận đánh đầy tính anh hùng ca giữa các nền văn minh. Là sự tự do chống lại sự kiềm hãm, là nền dân chủ chống lại chủ nghĩa phát-xít ..... Nhưng chiến tranh không phải là thế đối với chúng tôi. Với chúng tôi, đó chỉ là nửa tá người mê giải ô chữ ở cùng nhau trong một ngôi làng nhỏ ở phía Nam Anh Quốc." - Alan Turing trong phim The Imitation Game



Chiến tranh trong The Imitation Game chỉ gói gọn trên những trang giấy và chữ số, là vận mệnh của nhiều người được quyết định bởi một nhóm người, không phải bởi vì họ là Chúa, mà vì không ai khác có thể làm điều này.

Phim The Imitation Game cũng đã khai thác rất tốt cuộc sống tâm lí của Alan Turing thông qua cách "đi ngược" thời gian bắt đầu từ thập niên 1950 - trong bối cảnh sau chiến tranh, khi Alan Turing bị bắt giữ và truy tố, lồng ghép vào đó là câu chuyện của ông khi làm công việc giải mật mã của Hải quân Đức và sáng tạo ra cỗ máy Christopher vào những năm 1940, cuối cùng là câu chuyện về năm tháng thiếu niên của Alan Turing để giải thích cho sự đam mê của ông với mật mã cũng như nguồn gốc của cái tên "Christopher" mà ông đặt cho cỗ máy.



Tổng kết, tuy diễn xuất của Benedict Cumberbatch trong The Imitation Game không được tinh tế như của Eddie Redmayne trong phim The Theory of Everything nhưng có thể nói Ben đã để lại ấn tượng rất tốt đồng thời thoát ly hẳn hình tượng Sherlock.

Kick-ass là một bộ phim về "siêu anh hùng" nhưng được đặt trong tình huống thực tế nhất: không siêu năng lực, không nhiều tiền của, càng không có năng lực thể chất mạnh - Làm thế nào để trở thành "siêu anh hùng"?

Kiểu anh hùng như Kick Ass có thể bị gọi là "bao đồng" và ngu ngốc, tuy nhiên, quan điểm của phim cao thượng và hay ở chỗ: nó đã đánh bại quan điểm "cổ điển"của Uncle Ben trong Spiderman: "Sức mạnh lớn đồng nghĩa với trách nhiệm lớn".


Nội dung phim Kick Ass xoay quanh nhân vật Dave Lizewski, một kẻ mê truyện tranh với sức khỏe bình thường và dung mạo bình thường, cho đến khi Dave quyết định tự mình trở thành một siêu anh hùng mang tên Kick Ass.
"Truyện tranh đã nói sai hết. Vết thương tâm lí, tia vũ trụ hay nhẫn năng lượng không làm nên một siêu anh hùng. Mà đó chỉ là kết hợp hoàn hảo của sự lạc quan và ngây thơ".


Tất cả nhân vật "siêu anh hùng" trong phim Kick Ass không hề có một siêu sức mạnh nào, họ chỉ là những người bình thường với sức chịu đựng dai dẳng hoặc những kĩ năng rèn giũa mà có được. Diễn biến của phim tương đối nhanh nhưng đã khá hợp lí khi xây dựng nhân vật Dave từ lúc mang giấc mộng làm anh hùng chỉ vì hào quang của nó cho đến khi Dave thực sự trưởng thành và nhận ra chân lí thực sự trong việc làm một người hùng, đó là để làm những điều đúng đắn.


Ngoài nhân vật chính Kick Ass thì nhân vật Big Daddy cũng rất ấn tượng. Tư tưởng của nhân vật này tuy có phần lệch lạc so với tiêu chuẩn xã hội nhưng không thể nói là rất hợp lí trong tình huống của kịch bản.


Cách yêu thương của nhân vật Damon Macready với con gái không giống như những cặp cha mẹ khác, thiếu rất nhiều bảo bọc mà thay vào đó là rất nhiều rèn đúc về tinh thần lẫn năng lực. Và nếu chỉ xét về năng lực thì Big Daddy chính là siêu anh hùng thực sự của toàn bộ phim Kick Ass.


Bộ phim Kick Ass cũng đã đưa ra một số vấn đề đáng lo ngại trong xã hội hiện nay chẳng hạn như sự vô tình của những người đứng xem trong cảnh đầu phim khi nhân vật Kick Ass ẩu đả với rất nhiều kẻ trên cơ nhưng chẳng một ai đứng nhìn gọi cho cảnh sát can thiệp.

Tổng kết, phim hay hơn dự đoán rất nhiều. Tuy nhiên ngoài 3 nhân vật "siêu anh hùng" thì tất cả những nhân vật còn lại tương đối nhạt. Kick Ass mang yếu tố bạo lực cao nên khuyến cáo cho những khán giả yếu vía không nên coi.